Dạy Con Kiểu Do Thái - Sự May Mắn Của Cái Đầu Gối Bị Trầy Xước
… “Theo gợi ý của tôi, gia đình tôi bắt đầu đi lễ tại thánh đường mỗi tháng một lần. Sau đó, tôi phát hiện ra rằng rất nhiều các ông chồng Do Thái không tích cực hành đạo thường hay phản kháng việc tham dự các buổi lễ; đây là vấn đề phổ biến trong nhóm cha mẹ mà tôi giảng dạy. Trong nhiều gia đình, người phụ nữa ưa các hoạt động tâm linh hơn, trong khi các ông chồng thường do dự, lâp luận rằng kinh nghiệm từ thời thơ ấu chứng minh rành rành thái độ đạo đức giả của tôn giáo (Tôi đã nghe thấy điều này từ các ông chồng theo đạo Công giáo, đạo Tin Lành và cả đạo Do Thái nữa.) Giống như các cặp vợ chồng khác, anh Michael và tôi đến với nhau cũng là hôn nhân “sắp đặt” - không phải lúc nào chúng tôi cũng nhất trí với nhau về các vấn đề liên quan đến hoạt động tôn giáo. Nhưng trong trường hợp của chúng tôi, Michael là người muốn gia đình tôi tuân theo tín ngưỡng khắt khe hơn mức tôi có thể hài lòng. Tuy nhiên, 10 năm trước, chúng tôi lại giống nhau ở một điểm: anh được dự lễ thụ giới và được làm lễ kiên tín, nhưng khi trưởng thành cả hai chúng tôi đều không tham gia Do Thái giáo, và cả hai chúng tôi đều rất hiếu kỳ.
Tại giáo đường, tôi có cảm giác mình như cá mắc cạn. Tôi không biết tên hoặc hình dạng của aleph, ký tự đầu trong bảng chữ cái Hebrew. Tôi cũng không hay biết đến các nghi thức tế lễ mà tôi vốn nghĩ là được phát âm giống như “burruch ha taw” và sau đó, tôi học được rằng, baruch atah tức là “Phúc lành cho bạn.” Tôi lúng túng với sự thiếu hiểu biết của mình về kỹ năng trong giáo đường và sự kém cỏi của tôi về Do Thái giáo. Nhưng chúng tôi rất kiên trì. Suốt mùa xuân đầu tiên trong năm đầu tiên đi lễ, chúng tôi đến trại cứu tế vào cuối tuần và ở đó lần đầu tiên chúng tôi được tham dự ngày lễ Shabbat, một ngày để nghỉ ngơi và suy ngẫm. Sau đó, mỗi tuần chúng tôi đều đến thánh đường.
Tôi mua một cuộn băng có ghi âm lời kinh và thức khuya ghi nhớ lời cầu nguyện. Tôi cũng tham dự lớp học Ngũ kinh và tạo một số thay đổi nho nhỏ tại nhà. Ban đầu, chúng tôi thắp vài ngọn nến vào bữa ăn tối thứ Sáu, lúng túng đọc lời cầu nguyện được chuyển ngữ, nói “Chúc mừng ngày lễ Shabbat” và đi ăn một bữa tôm tại nhà hàng của Thái. Sau đó, chúng tôi bổ sung thêm kiddush (lời khấn nguyện trước bữa ăn của đêm trước lễ Shabbat) và ăn tối tại nhà. Sau khoảng một năm, tối thứ Sáu nào chúng tôi cũng ăn bữa tối Shabbat tại nhà và đọc tất cả những câu kinh truyền thống. Đến giờ ăn, chúng tôi không ăn tôm cua, thịt lợn, thịt nói chung và các sản phẩm làm từ sữa nữa.
Khi bắt đầu bữa tối, chúng tôi kết hợp những lời cầu nguyện với lễ nghi gia đình. Chúng tôi thắp nến tỏ lòng trân trọng với các thành viên trong gia đình mắc bệnh trong tuần đó, hoặc những ai cần đến một lời cầu nguyện do bị đau ở đâu đó. Ví dụ, Susanna nói, “Tối nay con thắp ngọn nến này xin mang phước lành cho bạn Jessica, vì bạn ấy đang bị cúm.” Sau đó chúng tôi khẽ đọc lời cầu nguyện truyền thống với các con, “Nguyện xin Thiên Chúa soi sáng cho con trong tuần tới.” Chúng tôi đi quanh bàn và lần lượt mô tả sự việc tốt đẹp nhất diễn ra trong tuần và ghi nhớ tin tốt lành của các thành viên. Theo tin tức nghe được, chúng tôi trò chuyện về những khó khăn hoặc về cuộc sống thường nhật khi áp dụng các nguyên tắc trong luật Do Thái. Chúng tôi hát khi kết thúc bữa ăn. Thi thoảng, bữa ăn theo nghi thức và các nghi lễ có vẻ nhàm chán và mang tính vị kỷ, nhưng thông thường đây là những bữa ăn ít vội vàng nhất, là những khoảnh khắc dịu dàng nhất trong tuần, giúp chúng tôi xích lại gần nhau hơn.
Một năm nữa trôi qua và tôi cân nhắc đến việc nghỉ làm một năm. Tôi mong muốn được học Do Thái giáo toàn thời gian và tìm cách kết hợp những điều tôi đã học vào công việc. Đồng nghiệp của tôi, vốn là chuyên gia tâm thần học rất yêu nghề, tỏ vẻ hoài nghi, “Đó không phải là công việc,” anh ta nói, “đó là nghề nghiệp. Chị cứ thử nghĩ xem rời bỏ bệnh nhân như thế thì có ý nghĩa gì.”
Lời khuyên của thầy giảng Daniel rất cứng rắn: “Hãy đọc Chương 6 về nhà tiên tri Isaiah, khi ngài nhận được lời tiên tri,” thầy thôi thúc tôi trong một lá thư dài. “Về cơ bản, quyết định của con là quyết định cá nhân, nếu như không phải là một quyết định cực kỳ riêng tư. Thầy chưa bao giờ chắc chắn về các vấn đề liên quan đến nguyên tắc, nhưng thầy biết chắc hai điều: nếu con tìm hiểu sâu về Do Thái giáo, con sẽ có cơ hội phụng sự cộng đồng người Do Thái và phụng sự Chúa.” Bức thư đó có tác động lớn đối với tôi. Dù vẫn mơ hồ về lời dự đoán của Thầy giảng Daniel rằng tôi sẽ phụng sự cộng đồng Do Thái giáo, nhưng lời khuyên của thầy trao cho tôi dũng khí để thôi việc.
Mặc dù Thầy Daniel là thầy giảng Tân tiến, nhưng thầy cũng khuyên tôi nên tìm hiểu thêm về những người Do Thái chính thống. Cả đời họ đã quen với bản văn Kinh Thánh và những điều răn, tạo cho họ khả năng giúp người khác làm quen với tư tưởng Do Thái bằng phương thức vô cùng thân mật, không mang tính học thuật. Tôi mặc frum (lễ phục), ống tay áo dài kín khuỷu tay, váy dài, đội mũ, và tôi học các bản văn khó, các quy tắc tạo ra ngôi nhà Do Thái với các giáo viên người Do Thái chính thống. Ban đầu, tôi dành phần lớn thời gian học hỏi các Hassid[1] và ở họ có sự kết hợp của những đặc điểm khiến tôi ấn tượng: niềm hân hoan trong đức tin và trí tuệ rực sáng. Nhưng khi tôi đến nhà họ dự bữa tối Shabbat, tôi thấy khác lắm. Chỉ nam giới tham gia tranh luận sôi nổi tại bàn ăn - những bà vợ và con gái lui vào một nơi kín đáo. Tôi không thể tạo dựng một ngôi nhà như thế này, và tôi cũng sẽ không hạ thấp phẩm giá con gái mình như thế. Nhưng tôi vẫn tiếp tục học hỏi với những người đàn ông, phụ nữ ngoan đạo này, và với các giáo viên khác biết truyền cảm hứng đến từ các nhánh Do Thái giáo.
Trong năm đó, tôi tiếp thu được rất ít kiến thức về Do Thái giáo, nhất là khi kiến thức đó liên quan đến việc nuôi dạy con. Tôi phát hiện ra rất nhiều cuốn sách cha mẹ của người Do Thái, do các thầy giảng và giáo viên viết ra. Những cuốn sách đó nêu ra các vấn đề mới mẻ và hấp dẫn tôi: cách giải quyết “vấn đề nan giải tháng 12” (giúp trẻ em Do Thái cưỡng lại sự cám dỗ của Lễ Giáng sinh mà không khiến Hanukkah trở thành kì nghỉ dài-hơi vì kì nghỉ này không hướng tới mục đích đó), cách trang trí và hưởng thụ niềm vui thích một chiếc lều tạm, cách trả lời câu hỏi của trẻ về Chúa. Được thiết kế nhằm giúp cha mẹ hướng dẫn trẻ xây dựng cá tính Do Thái tích cực trong nền văn hóa đương đại, những cuốn sách này tồn tại song song với xã hội trần tục.
Gần nhà tôi có ba hoặc bốn cửa hàng sách Do Thái của người Do Thái chính thống. Tôi rảo bước vào và thấy những chiếc bàn đầy kín các chồng sách nuôi dạy con mà tôi chưa từng thấy. Tôi vô cùng hồi hộp khi đọc những cuốn sách này. Sách có những hình ảnh sống động về các nguy cơ và sự cám dỗ của thế giới vật chất, ẩn chứa đầy lo âu, khát vọng tình dục quá độ và sự cạnh tranh khốc liệt của thế giới quanh tôi. Sách nêu ra những băn khoăn thường ngày, thực tế khi nuôi dạy con - trẻ nhỏ nên được phép xem truyền hình trong bao lâu, thái độ của trẻ khi giúp đỡ cha mẹ việc nhà, trẻ được phép mặc quần áo ra sao - đến các câu hỏi liên quan đến thần thánh. Các cuốn sách này biết rõ kẻ thù của trẻ và đưa ra các phương pháp bảo vệ trẻ. Sách được viết cẩn thận, rất phù hợp về tâm lý và chứa đựng vốn hiểu biết về Do Thái giáo truyền thống, thể hiện qua những câu chuyện kể của Chúa Giê-su và bài học trong luật Do Thái và thần học. Những các cuốn sách nuôi dạy con của người Do Thái chính thống này coi việc tuân thủ nghiêm ngặt là con đường duy nhất để nuôi dạy những đứa trẻ có đạo đức, lành mạnh. Vì vậy, cùng với những lời giảng và vốn hiểu biết sâu sắc về cuộc sống là sự xuất hiện của mehitzah (vách ngăn tách biệt đàn ông và phụ nữ tại điện thờ), cộng với sự phê phán nghiêm khắc và sự kiên định phải ngăn cách khỏi cộng đồng rộng lớn hơn mà tôi và các khách hàng đều không sẵn lòng đón nhận. Tôi hoan nghênh phép chẩn đoán, nhưng không hoan nghênh phương thức chữa bệnh.
Tôi bắt đầu tự hỏi liệu tôi có thể trở thành cầu nối hay không. Tâm lý học cung cấp lý thuyết mạnh mẽ để hiểu rõ các vấn đề tâm lý của trẻ, nhưng lý thuyết thay đổi quá thường xuyên, không thể là điểm tựa và chỉ mang tính tạm thời đối với các vấn đề liên quan đến cá tính. Từ các bài học được-thời-gian-chứng-minh với Do Thái giáo, tôi khám phá ra những sự hiểu biết sâu sắc và công cụ thực tế có thể trực tiếp giải quyết các vấn đề về tâm lý và tinh thần. Biết đâu tôi có thể tìm cách đưa những hiểu biết này đến với các gia đình mà tôi tư vấn; biết đâu tôi có thể tích hợp tâm lý học với những lời dạy của Do Thái giáo….”
Thông Tin Chi Tiết
Tác giả | TS. Wendy Mogel |
Dịch giả | Khánh Thủy |
Nhà xuất bản | Nxb Lao động - Xã hội |
Nhà phát hành | Thái Hà |
Kích thước | 15.5 x 24 cm |
Trọng lượng vận chuyển | 418 g |
Số trang | 272 |