Phương pháp đọc hiệu quả

Vì sao người Việt lười đọc sách, nhất là các bạn trẻ? Câu trả lời là : các bạn không biết cách đọcđọc quá chậm nên chán. Không những thế, các bạn thường đọc xong là để đó, không hành động đã làm các bạn dần nhàm chán với tri thức, bế tắc và mất niềm tin vào cuộc sống vì đã ảo tưởng rằng đọc sách sẽ thay đổi cuộc đời.

Đọc sách là một nghệ thuật, tùy theo khả năng, sở thích, sự quan tâm của mỗi người mà có phương pháp đọc khác nhau. Dưới đây là 3 bước “bí quyết” đơn giản sẽ làm cho bạn yêu thích đọc sách hơn

I - Xác định mục đích

Hãy trả lời câu hỏi, bạn cần/ muốn đọc sách để làm gì? Xác định từ khóa. Thông thường, mục đích của việc đọc sách là để giải trí, để lấy thông tin hay đọc để hiểu biết hơn.

Ví dụ từ khóa:

Sách học làm người
Sách phát triển nghề nghiệp: nghề gì? kỹ năng hay chuyên môn? kỹ năng gì? chuyên môn gì? trình độ nào?...
Sách quản lý lãnh đạo
Sách nuôi dạy con: bao nhiêu tuổi? thể chất, trí tuệ, tinh thần hay tâm hồn? vấn đề đang gặp phải là gì?...
Sách văn học…

II - Chọn sách

Sau khi xác định được mục đích đọc, từ khóa, bước tiếp theo là tìm sách. Bạn có thể tìm kiếm trên mạng, cửa hàng sách online (offline), tham khảo bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp, sếp ...

Hãy tìm những tựa sách phù hợp, gần nghĩa, liên quan tới từ khóa và hãy cố gắng suy nghĩ xem tựa sách muốn nói lên điều gì. Sau khi chọn được tựa sách, bạn cần đọc lướt có hệ thống (*) các phần sau:

  • Lời mở đầu của tác giả/ lời giới thiệu của NXB: đọc để hiểu sơ lược về mục đích, nội dung của cuốn sách. Có thể có lời khuyên của tác giả về phương pháp đọc quyển sách đó.
  • Mục lục: xem qua để nắm cấu trúc (dàn ý chung) của cuốn sách, giống như việc xem bản đồ trước khi bắt đầu đi đâu đó.
  • Lời kết: thường là nội dung cô đọng nhất, những kết luận quan trọng nhất của cuốn sách
  • Xem những chương có vẻ như quan trọng và đọc ngẫu nhiên một hai đoạn: nếu bạn còn cảm thấy mơ hồ về nội dung của cuốn sách hãy đọc lướt qua một vài đoạn, cố gắng phát hiện ra những đoạn hấp dẫn, có giá trị

Sau đó, đánh giá xem sách có phù hợp với trình độ (khả năng), sự quan tâm hay sở thích, mong muốn của bạn hay không.

Lưu ý: khi đọc 1 quyển sách dở là bạn đang đánh mất cơ hội để đọc một cuốn sách hay. Đó là chi phí cơ hội. Hãy dừng đọc ngay.

III - Phương pháp đọc

Phương pháp đọc sách hiệu quả là quá trình vận dụng trí não để suy ngẫm về những con chữ, mà không có bất cứ sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Nhờ đó, trí tuệ của bạn được nâng lên một tầm cao mới, từ hiểu biết ít đến hiểu biết nhiều.

Các cấp độ đọc:

1. Đọc sơ cấp

Là phương pháp đọc “từng chữ một”, đọc to thành tiếng hay đọc thầm là phương pháp đọc được dạy ở trường tiểu học. Cách đọc này là nguyên nhân làm bạn đọc rất chậm. Nghiêm trọng hơn là làm giảm đi khả năng hiểu và cảm nhận nội dung của sách.

Cách đọc “từng chữ một” không chỉ ảnh hưởng tới sự hiểu biết mà còn ảnh hưởng tới khả năng tập trung của bạn. (trang 37-42, Đọc Sách Siêu Tốc – Christian Gruning)

2. Đọc lướt có hệ thống

Nếu bạn không có nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ hết cả cuốn sách, hoặc bạn chỉ muốn tìm hiểu, khẳng định thêm cho một vấn đề nào đó đã biết; hay muốn tìm hiểu sâu hơn về nội dung để đánh giá cuốn sách thì phương pháp đọc này là một lựa chọn phù hợp.

Tuy nhiên, trong quá trình đọc, một cuốn sách hay, có nhiều thông tin giá trị sẽ làm bạn phải đọc chậm lại, đọc kỹ hơn. Chắc chắn là như vậy!

Phương pháp đọc lướt có hệ thống đã được trình bày một phần (*) ở mục II-Chọn sách, bạn kết hợp thêm với các nguyên tác sau:

  • Chia cuốn sách ra nhiều phần có độ dài phù hợp để đọc. Nếu không, khi đọc các cuốn sách dày, bạn sẽ mất động lực vì trước mắt luôn luôn chỉ có một câu hỏi: còn bao nhiêu trang nữa mới hết! Nếu chia cuốn sách ra thành nhiều phần thì việc đọc có vẻ như sẽ bớt “đáng sợ” hơn.
  • Đọc lướt nhanh qua những đoạn không quan trọng, đọc chậm lại ở những đoạn hay, quan trọng.
  • Hãy đọc hết cuốn sách mà không cần dừng lại suy nghĩ ở những điểm bạn chưa hiểu. Không nên cố gắng hiểu tất cả các từ hay các trang của một cuốn sách khó ngay khi mới đọc lần đầu tiên. Hãy đọc nhanh cuốn sách khó để chuẩn bị tốt cho lần đọc thứ 2

3. Đọc có trọng điểm

Chỉ đọc những phần đã được chọn trước, phần bạn quan tâm nhất của cuốn sách nhằm lấy thông tin hay để hiểu rõ thêm vấn đề để chuẩn bị cho một công việc nào đó mà bạn đang thực hiện.

4. Đọc suy ngẫm

Bạn đọc một cuốn sách và nghiền ngẫm cho đến khi nó trở thành sách của bạn. Đây là phương pháp đọc phân tích, một phương pháp đọc thực sự dành cho các độc giả có yêu cầu cao. Nếu bạn chỉ đọc để lấy thông tin hay giải trí thì phương pháp này thực sự không cần thiết.

Phương pháp này đòi hỏi trước khi đọc một cuốn sách, bạn phải biết thể loại sách là gì; phân biệt được sách Lý thuyết hay sách Thực hành; trình bày được nội dung sách trong một câu hoặc một đoạn ngắn… Tóm lại, để nâng cao kỹ năng đọc, thì cuốnPhương Pháp Đọc Sách Hiệu Quả của Mortimer J.Adler là cuốn sách bạn “phải đọc”.

Tốc độ đọc:

Mọi cuốn sách nên được đọc không chậm hơn hơn mức mà nó đáng đọc và không nhanh hơn mức mà bạn có thể hiểu và thấy hài lòng.

Thật vậy, nhiều cuốn sách chẳng đáng để bạn đọc dù chỉ là lướt qua; một số cuốn nên đọc nhanh và chỉ rất ít đáng đọc thật chậm để có thể hiểu hoàn toàn. Để tăng tốc độ đọc, bạn cần rèn luyện kỹ năng đọc siêu tốc (sách tham khảo: Đọc sách siêu tốc - Christian Gruning)

 Đánh dấu/ ghi chú:

Mua một cuốn sách, đó mới chỉ là bước khởi đầu. Bạn chỉ thực sự sở hữu một cuốn sách khi biến nó thành một phần của bạn, tức là bạn phải viết vào trong sách. Sau đây là một số cách bạn có thể dùng:

→ Gạch dưới: gạch dưới, hay khoanh tròn những điểm quan trọng, hay

→ Gạch những đường thẳng ngoài lề: với những đoạn quá dài không thể gạch dưới được, bạn nên gạch những đường thẳng bên ngoài lề để đánh dấu

→ Viết bên lề, ở đầu trang hay cuối trang: có thể là một câu hỏi (cũng có thể là câu trả lời) mà đoạn văn đã gợi ra cho bạn; hoặc ghi tóm tắt nội dung thành một câu đơn giản

→ Đánh số bên lề: để đánh dấu những ý mà tác giả đã nêu có liên quan đến nhau