Đọc sách cho con như thế nào?

 1. Vì sao nên đọc sách cho con?

Những năm đầu đời là “thời kì vàng” để các cha mẹ giúp con khám phá thế giới xung quanh và khơi dậy tối đa những khả năng tiềm ẩn của con. Dạy con biết đọc sớm là rất quan trọng, vì biết đọc chính là cánh cửa dẫn đến với các tri thức khác, đồng thời tạo cho bé thói quen và niềm đam mê đọc sách từ bé

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đọc sách cho con mỗi ngày giúp con thông minh hơn, đồng thời giúp con phát triển khả năng lãnh đạo từ sớm: việc đọc sách có thể tạo ra sự kích thích sáng tạo, trí tưởng tượng mà các bộ phim hoạt hình và những loại hình giải trí trên TV, thiết bị điện tử có màn hình khác không thể mang lại được cho bé.

  • Nuôi dưỡng tình yêu với việc đọc sách: đọc sách giúp trẻ có những trải nghiệm thú vị và xây dựng thái độ với việc đọc sách khi lớn lên.
  • Phát triển ngôn ngữ: số từ mà trẻ biết khi bắt đầu đi học mẫu giáo là một dấu hiệu quan trọng dự báo sự thành công của trẻ trong tương lai
  • Cải thiện khả năng diễn đạt (phát triển EQ): gia tăng vốn từ, học cách phát âm, kể chuyện, đọc hiểu, nhận diện mặt chữ.
  • Tiếp thu được nhiều kiến thức/ giải trí: sách cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích cho cả bạn và bé
  • Phát triển trí não (phát triển IQ): sự phát triển não bộ của trẻ từ khi mới sinh đến 3 tuổi có ảnh hưởng rất lớn tới khả năng ngôn ngữ sau này của trẻ.
  • Gia tăng kết nối: cùng chia sẻ một cuốn sách giúp kết nối chặt hơn sợi dây tình cảm giữa bố mẹ và con cái, vốn sẽ theo trẻ trong cả cuộc đời sau này
  • Giúp bé phát triển trí thông minh/ phát triển khả năng lãnh đạo: việc đọc sách có thể tạo ra sự kích thích sáng tạo mà các bộ phim hoạt hình và những loại giải trí trên tivi không thể mang lại được cho trẻ

Khi được nghe kể chuyện, trẻ sẽ tưởng tượng các hình ảnh xảy ra trước mắt mình. Chẳng hạn như khi bé nghe câu chuyện ‘Con ếch nhảy qua khúc gỗ’, bé sẽ tưởng tượng ra những hình ảnh con ếch và khúc gỗ, và hành động ‘nhảy qua’ khúc gỗ của con ếch như thế nào trong đầu. Nhưng, khi chúng ta cho trẻ xem phim hoạt hình, chúng không còn phải vận động não để tưởng tượng nữa mà chúng đang xem những hình ảnh mặc định và thu nạp điều đó như mì ăn liền. Vậy thì, phải chăng chúng ta đã lấy đi cơ hội để trẻ nhỏ phát triển trí tưởng tượng?

Tuy nhiên, những lợi ích này sẽ không thấy ngay được, mà là kết quả của nhiều năm tháng nhé các cha mẹ.

2. Khi nào thì có thể đọc sách cho con?

Không bao giờ là quá sớm khi đọc sách cho con nghe. Hãy bắt đầu ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ.

Mặc dù công nghệ phát triển nhưng các nhà giáo dục Mỹ khuyến cáo không cho trẻ em dưới 2 tuổi tiếp xúc với Tivi hoặc iPad (hoặc các thiết bị điện tử có màn hình khác). Đối với trẻ từ 3-5 tuổi thì chỉ nên xem tivi tối đa 1 giờ/ ngày và phải hoàn toàn không có cảnh bạo lực. Còn đối với trẻ từ 6-12 tuổi thì tối đa là 2 giờ/ ngày cũng không được có cảnh bạo lực.

Hãy tắt các thiết bị điện tử, để mở cửa sổ tâm hồn cho bé nhé!

3. Chọn sách gì cho con?

Đó là những cuốn sách phù hợp với độ tuổi của bé. Trước hết, bạn hãy đọc kỹ nội dung của sách để đảm bảo từ ngữ phải hồn nhiên và trong sáng, không có cảnh bạo lực, những hình ảnh minh họa phản cảm. Hãy chọn sách có minh họa càng đúng với nội dung sách càng tốt, sách ảnh luôn là lựa chọn tốt nhất cho bé. Nên

  • Chọn sách mà cả bạn và trẻ đều thích. Trẻ con thường thích đọc một câu chuyện lặp lại nhiều lần. Lý do khá đơn giản, chúng thích cảm giác biết trước việc gì sẽ diễn ra và giống như chúng ta, đơn giản là bé thích nó
  • Hát, thơ, đồng dao và những bài ru cũng có liên kết chặt chẽ với việc học đọc và phát triển EQ
  • Biến sách thành những món quà và ghi lời đề tặng để bé giữ làm kỉ niệm sau này
  • Những quyển sách hay có thể giữ đến vài thế hệ và trở thành kỷ vật của gia đình.

4. Đọc sách cho con vào thời điểm nào trong ngày?

Nếu trồng cây, chúng ta thường tưới nước vào lúc nào? Thường là vào buổi sáng sớm và buổi chiều tối phải không? Thì việc đọc sách cho trẻ cũng giống vậy. Ở Mỹ người ta thường đọc sách cho các bé vào sáng sớm và trước khi đi ngủ. Ngoài ra,
Bạn có thể đọc cho bé nghe mọi lúc, mọi nơi, miễn là cả hai cùng cảm thấy thoải mái và thư giãn. Hãy biến việc đọc sách thành một thói quen và hoạt động thường ngày của trẻ

5. Đọc sách cho con như thế nào?

Đọc sách cho con nên là một niềm vui, không phải là một công việc. Nếu cha mẹ xem việc đọc chỉ là một phần trong công viêc hàng ngày thì trẻ sẽ nhận ra ngay và sẽ không hứng thú với việc đọc sách. Dưới đây là một vài các nguyên tác

  • Biểu lộ rõ sự hào hứng, vui thích trên nét mặt khi bạn đọc cho bé. Mắt và miệng bạn cũng ảnh hưởng nhiều không kém giọng đọc của bạn. Nếu bạn trông có vẻ chán và có vẻ như việc đọc này là một công việc, trẻ thường sẽ nhận ra ngay
  • Đừng nghĩ rằng bạn phải bám vào câu chuyện, hay phải đọc đúng từng từ theo sách, điều đó không bắt buộc. Hãy biến sách thành những câu chuyện càng vui nhộn, càng hóm hỉnh thì càng dễ đi vào tâm trí của trẻ.
  • Hãy đọc to, rõ ràng, diễn cảm, minh họa bằng những thú nhồi bông trong nhà bạn, thậm chí bạn có thể giả giọng các nhân vật trong sách để làm câu chuyện thêm hấp dẫn. Đặc biệt với trẻ dưới 5 tuổi, việc đọc to và giả giọng giúp trẻ tập trung cao hơn và tăng trí nhớ tốt hơn
  • Thêm vào những mẩu chuyện nhỏ của riêng hai mẹ con. Ví dụ như hỏi bé: “Con nghĩ con chó đang làm gì ở đó?”
  • Sau khi đọc xong hãy hỏi xem bé nghĩ gì về từng nhân vật, về câu chuyện, về hình minh họa, về cái kết... để bé được nói lên suy nghĩ và cảm nhận của mình
  • Bé từ 3 tuổi trở lên hãy thử: “Nếu con là bạn ý con sẽ làm thế nào?” và khi con 4 tuổi trở lên có nhiều kinh nghiệm, cảm xúc và cái tôi của mình hãy thử: “Con thử kể lại câu chuyện xem sao nhé?”. Và cuối cùng là: “Giờ con hãy ngủ xem có mơ thấy các bạn trong câu chuyện đó không nhé! Có thể con sẽ gặp các bạn ý trong mơ đấy”.

Đọc sách cho bé theo từng độ tuổi:

  • Trẻ dưới 1 tuổi: Khả năng tập trung và ghi nhớ của bé còn ít, bạn nên đọc cho bé nghe những từ ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và lặp đi lặp lại nhiều lần. Thời gian đọc mỗi lần cũng nên bắt đầu từ ngắn rồi kéo dài dần, nên kết thúc khi bé bắt đầu cảm thấy chán (vứt sách, không tập trung, bỏ đi...)
Đôi khi đang nghe đọc giữa chừng mà trẻ chán bỏ đi chơi trò khác thì cha mẹ cũng đừng lấy đó làm thất vọng. Vì cha mẹ càng kỳ vọng muốn con nghe hết truyện sẽ càng dễ nảy sinh sự thất vọng, tâm trạng không còn vui vẻ nữa. Chỉ cần trẻ vui vẻ hứng thú với việc tiếp xúc với sách ở giai đoạn đầu này là đạt mục tiêu.
  • Trẻ1 tuổi – 1,5 tuổi: Lúc này trẻ đã có thể tập trung lâu hơn và ghi nhớ nhiều hơn, và cũng là thời kỳ trẻ bắt đầu học nói, nên khi bạn có thể đọc cho con một câu chuyện dài hơn trước, các lần đọc sau có thể kể theo nhiều cách khác nhau (cùng nội dung nhé) để tạo vốn từ phong phú và cách sử dụng từ ngữ linh hoạt cho trẻ
  • Trẻ từ 1,5 tuổi - trên 2 tuổi: Lúc này phần lớn trẻ đã bắt đầu nói được những câu dài, có khả năng ghi nhớ và bắt chước, nên trong quá trình đọc bạn hãy cố gắng sử dụng nhiều những câu cảm thán, những câu nói hoặc những điều mà bạn muốn truyền tảivào trong câu chuyện

6. Khi nào thì nên dừng đọc?

Nên kết thúc khi bé bắt đầu cảm thấy chán (vứt sách, không tập trung, mắt nhìn chỗ khác, bỏ đi chơi trò khác…)

Một cách giúp tăng sự thích thú của trẻ với việc đọc sách là ngừng đọc tại nơi mà câu chuyện đang bị bỏ lửng và kết quả vẫn chưa được sáng tỏ. Điều này sẽ kích thích sự phát triển của trẻ về sự suy luận

Thay đổi nội dung đọc cho phù hợp với tuổi của trẻ và hãy tìm những câu chuyện có tính phiêu lưu mạo hiểm hơn vốn giúp tăng sự kỳ vọng cũng như hứng thú nơi trẻ

7. Nên đọc sách cho con trong bao lâu?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ cần đọc sách cho con nghe 15 phút mỗi ngày, bố mẹ đã có thể giúp con phát triển vượt trội và tăng thêm cơ hội để gắn bó với con hơn.

8. Làm gì khi con xé, gặm sách

Trẻ có thể cầm, gặm , liếm hoặc giằng lấy lật, hay muốn xé cũng được (khi trẻ định xé thì hãy thay bằng tờ giấy hoặc tờ báo)

Sách bìa cứng, bo góc và có phủ màng bề mặt là một lựa chọn tốt.

9. Ngoài ra, cha mẹ cần làm gì để giúp con duy trì thói quen đọc sách?

Thường xuyên cho bé đi nhà sách, tới khu sách thiếu nhi và cùng chọn ra tựa sách mà bạn nghĩ rằng bé sẽ thích. Hoặc bạn hãy gợi ý cho bé cách chọn như: "Mẹ thấy quyển sách này đẹp quá", "Bố thấy nhân vật này ngộ nghĩnh quá... con thấy có thích không?

Xem chuyện tặng sách vào sinh nhật, giáng sinh và những dịp lễ như một cử chỉ yêu thương. Những sách đặc biệt cho dịp đặc biệt giúp trẻ yêu đọc sách và xem sách như một kho báu.

Nhắm tới xây dựng tính tôn trọng sách ở trẻ. Để sách trên kệ, không uốn cong hay xé trang. Việc chăm sóc sách sẽ cho trẻ thấy rằng đó là những vật quan trọng

Bạn tự mình đầu tư thời gian để đọc sách, làm tấm gương đọc sách cho con. Những nghiên cứu cho thấy những người làm cha mẹ đọc nhiều dạng sách từ sách, tạp chí gây được ảnh hưởng tích cực lên thái độ và sự phát triển của trẻ. Con trai, đặc biệt chịu ảnh hưởng từ việc đọc sách của cha.

Luôn có một không gian làm kệ sách nhỏ cho con, nơi trở thành hành trang trong suốt tuổi thơ của con